Ông Đỗ Anh Dũng cùng con trai Đỗ Hoàng Việt (Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh) và 13 người vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,ânHoàngMinhlàmcáchnàobánđượclôtráiphiếuhơntỷđồthevangtvtheo khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự, ngày 29/9.
Theo kết luận điều tra, từ đầu năm 2021, tài chính của Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn, nợ ngân hàng gần 20.000 tỷ đồng, chưa kể 8 gói trái phiếu mà công ty đã phát hành. Để tháo gỡ khó khăn, ông Dũng chỉ đạo Việt tìm cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để huy động vốn.
Ba công ty con được Tân Hoàng Minh dùng để phát hành trái phiếu là Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông. Trên giấy tờ thể hiện người góp vốn, đại diện theo theo pháp luật của công ty là các cá nhân khác nhau song thực chất chỉ đứng hộ ông Dũng. Mọi hoạt động của ba công ty này do ông Dũng chỉ đạo.
Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, "để các lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh được đánh bóng hào nhoáng, thu hút nhà đầu tư" có sự giúp sức của các đơn vị kiểm toán, thẩm định giá tài sản. Sự thiếu giám sát của các chi nhánh ngân hàng cũng là cơ hội để Tân Hoàng Minh tận dụng.
Theo quy định, doanh nghiệp muốn chào bán chứng khoán riêng lẻ phải có báo cáo tài chính được kiểm toán bởi tổ chức đủ điều kiện. Bởi thế báo cáo kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần, không có nợ quá hạn là một trong các điều kiện bắt buộc trong hồ sơ phát hành.
Thế nhưng Công ty Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông với kết quả kinh doanh đều bết bát nên không đủ điều kiện kiểm toán báo cáo tài chính để phát hành trái phiếu. Các bị can bị cáo buộc đã thông đồng với Công ty Kiểm toán Nam Việt chi nhánh phía Bắc, Công ty CPA Hà Nội hợp thức báo cáo kiểm toán từ lỗ sang lãi, loại bỏ các công ty con, liên kết để tránh báo cáo kiểm toán hợp nhất.
"Cánh cửa" tiếp theo Tân Hoàng Minh lọt qua là thẩm định tài sản đảm bảo. Kết luận điều tra xác định, các công ty thẩm định giá chỉ căn cứ hồ sơ, số liệu do Tân Hoàng Minh cung cấp mà không kiểm tra thực tế về tài sản, dòng tiền, chứng từ góp vốn để định giá tài sản. Cơ quan điều tra cho rằng các đơn vị định giá biết rõ lô đất của Tân Hoàng Minh chưa đủ điều kiện pháp lý triển khai, không có giấy tờ góp vốn nhưng không kiểm tra mà ban hành chứng thư thẩm định giá tài sản.
Sau khi được kiểm toán viên, thẩm định viên giúp sức, tháng 12/2021, Công ty Cung Điện Mùa Đông phát hành 32 triệu trái phiếu với tổng giá trị 3.230 tỷ đồng. Lãi suất chào hàng là 11%/năm. Mục đích phát hành mà doanh nghiệp đưa ra là đặt cọc mua 65% cổ phần của Công ty Hoàng Hải Phú Quốc. Tuy nhiên, hợp đồng đặt cọc đều được lập khống bởi nhóm lãnh đạo Tân Hoàng Minh, theo cơ quan điều tra.
Khi lô trái phiếu do chính mình đạo diễn vừa chào hàng, ông Dũng chỉ đạo Tân Hoàng Minh đặt mua toàn bộ trái phiếu sơ cấp với số tiền hơn 3.200 tỷ đồng. Từ tài khoản trung bình chỉ khoảng 70 tỷ đồng trong các tài khoản tại ngân hàng Techcombank và Vietinbank, Tân Hoàng Minh đã luân chuyển, rút nộp 56 lần vào tài khoản của Công ty Cung điện mùa đông.
Số tiền này sau đó tiếp tục được luân chuyển quay vòng qua các cá nhân để cuối cùng "đổ" về tài khoản của Tân Hoàng Minh với tổng doanh số chuyển tiền là 3.230 tỷ đồng (gấp 47 lần số tiền thực tế). Việc này nhằm mục đích để hợp thức các hợp đồng đặt mua trái phiếu sơ cấp và tạo ra giá trị ảo của trái phiếu. Từ đó, ông chủ Tân Hoàng Minh bán lô trái phiếu này ra để chiếm đoạt hơn 3.300 tỷ đồng của hơn 3.300 khách hàng.
Với lô trái phiếu còn lại, Tân Hoàng Minh cũng thực hiện bằng thủ đoạn tương tự, dùng tiền trong tài khoản để luân chuyển, nạp rút thông qua nhiều cá nhân. Cuối cùng, số tiền được tính để mua trái phiếu cao gấp vài chục lần số tiền thực tế có. Bằng cách này, Tân Hoàng Minh trở thành trái chủ sơ cấp rồi bán lại trái phiếu cho người dân và đặc biệt là nâng tầm được giá trị của trái phiếu.
Bằng các chiêu thức khác nhau, Công ty Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông đã phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ, tổng trị giá 10.030 tỷ đồng. Tân Hoàng Minh sau đó bán trái phiếu để huy động lấy tiền trả nợ, tiêu xài. Ông Dũng và các đồng phạm bị cáo buộc thông qua phát hành trái phiếu đã chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng của 6.630 khách hàng.
Quá trình phát hành trái phiếu, 3 công ty của Tân Hoàng Minh đã ký hợp đồng với ba ngân hàng để cung cấp dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo và dịch vụ quản lý tài khoản trái phiếu.
Theo C03, đây là dịch vụ mà các ngân hàng thương mại được phép cung cấp theo Luật Các tổ chức tín dụng. Cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản trái phiếu là việc các ngân hàng mở tài khoản cho tổ chức phát hành để theo dõi, quản lý việc nhận tiền bán trái phiếu và thanh toán, lãi, gốc cho trái chủ khi đến hạn.
Theo quy định hiện hành, các tài khoản trái phiếu không phải tài khoản phong tỏa. Khi tổ chức phát hành muốn rút tiền thì phải có văn bản để ngân hàng giám sát việc dùng tiền theo đúng mục đích.
Tuy nhiên, các ngân hàng lại không có quy định hướng dẫn thủ tục, quy trình quản lý tài sản đảm bảo, tài khoản trái phiếu. C03 kiến nghị cần bổ sung các quy định này để gắn trách nhiệm của ngân hàng trong quản lý tài khoản và tài sản để phòng ngừa tội phạm.
Để hoàn thiện hồ sơ, trước khi phát hành trái phiếu, 3 công ty thuộc Tân Hoàng Minh đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn phát hành, đại lý đăng ký, lưu ký với 5 công ty chứng khoán.
Các công ty này sẽ tư vấn xây dựng hồ sơ, thủ tục phát hành trái phiếu riêng lẻ cho Tân Hoàng Minh. Công ty chứng khoán còn có trách nhiệm rà soát và hỗ trợ doanh nghiệp phân phối trái phiếu đến nhà đầu tư.
Nhưng quá trình thực hiện hợp đồng, các công ty chứng khoán bị xác định "không đảm bảo tính chính xác các thông tin, không rà soát đầy đủ" theo quy định về hồ sơ chào bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ. Có công ty còn không có văn bản cam kết về điều kiện thanh toán gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ trong 3 năm liên tiếp trước khi phát hành trái phiếu.
5 công ty sau đó bị phạt từ 310 triệu đồng đến 400 triệu đồng hoặc lập biên bản nhắc nhở.
Theo C03, sai phạm của Tân Hoàng Minh nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Hơn nữa, Tân Hoàng Minh không phải công ty đại chúng nên Ủy ban chứng khoán Nhà nước không tiếp nhận hồ sơ chào bán, không thẩm định, phê duyệt, giám sát. Đơn vị này chỉ giám sát các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ liên quan đến phát hành trái phiếu.
>> Danh sách 15 người bị đề nghị truy tố